CÔNG THỨC CHUẨN cách làm lẩu vịt om sấu miền Bắc ngon tuyệt
Là một biến thể của món vịt om sấu, lẩu vịt om sấu miền Bắc là một món ăn thơm ngon thường được xuất hiện phổ biến trong các dịp sum họp gia đình và bạn bè của người dân khu vực này. Nó vừa là một món ăn chính trong bữa cơm, vừa có thể trở thành món ăn chơi trong các dịp liên hoan nhậu nhẹt. Hãy cùng theo Nguyên Khôi vào bếp để khám phá cách làm lẩu vịt om sấu Miền Bắc tuy dân dã nhưng hấp dẫn nhất của miền Bắc nhé!
Hương vị đặc biệt của lẩu vịt om sấu miền Bắc
Khác với khẩu vị miền Nam thích ăn ngọt, món lẩu vịt om sấu chuẩn vị miền Bắc thường thiên về vị mặn và chua, chú trọng giữ độ ngọt thịt tự nhiên của vịt bằng cách dùng nước hầm xương chứ không sử dụng nước cốt dừa hay đường.
Món lẩu vịt với sấu Miền Bắc có vị chua thanh thanh, hòa quyện với thịt vịt mềm dai mọng nước, kết hợp với nước dùng sánh sánh bùi bở của khoai sọ tạo ra sẽ khiến bữa cơm của gia đình bạn càng thêm ngon miệng khó cưỡng. Đặc biệt, ăn lẩu vịt om sấu sẽ tốn rất nhiều rau, rất thích hợp cho những thành viên thường ngày không thích ăn rau trong gia đình.
Cách làm lẩu vịt om sấu miền Bắc ngon chuẩn vị
Chuẩn bị nguyên liệu cần thiết
Nguyên liệu chính | Nguyên liệu khác |
· Vịt: 1 con (từ 1,5 – 2kg) · Sấu bánh tẻ: 5 quả · Khoai sọ: 500gr · Nước hầm xương: 500ml |
· Hành tím: 2 củ · Tỏi: 2 củ · Sả: 4 củ · Gừng: 1 củ · Ớt tươi: 1-2 quả · Rau ngổ, mùi Tàu: 1 mớ · Rau muống, rau rút: tùy ý · Gia vị: Mắm, muối, hạt nêm, hạt tiêu |
Các bước thực hiện làm lẩu vịt om sấu
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Sơ chế vịt:
- Sau khi cắt tiết và vặt sạch lông, bạn rửa vịt bằng nước cho sạch rồi tiến hành khử mùi hôi cho thịt. Mùi hôi của vịt phần lớn là đến từ bộ phận phao câu, tốt nhất bạn nên cắt bỏ.
- Dùng muối với giấm gạo (có thể thay thế bằng chanh) chà xát lên khắp thân vịt rồi rửa sạch với nước. Lần hai tiếp tục đập dập nhánh gừng, hòa với rượu trắng rồi xoa đều lên thân vịt lần nữa để loại bỏ mùi hôi hoàn toàn. Rửa sạch vịt với nước và để ráo.
- Chặt vịt thành những miếng nhỏ vừa ăn có hình dạng mỏng, thuôn dài. Không nên chặt to như miếng thịt gà vì như vậy thịt sẽ không ngấm đều gia vị khi nấu.
Sơ chế các nguyên liệu khác
- Hành khô: bóc vỏ, rửa sạch rồi chia làm 2 phần. Một phần đem đập dập, băm nhỏ, phần còn lại đem nướng sơ trên lửa cho thơm.
- Tỏi khô: bóc vỏ, băm nhuyễn.
- Gừng tươi: cạo vỏ, rửa sạch, băm nhỏ.
- Sả: cắt bỏ phần vỏ già, rửa sạch. Một phần đập dập cắt khúc, một phần đem băm nhuyễn.
- Khoai sọ: gọt vỏ ngoài, cắt củ thành 2 hoặc 4 miếng tùy theo kích cỡ. Ngâm toàn bộ khoai đã sơ chế trong nước muối loãng khoảng 20 phút để dịch nhớt của khoai tiết ra bớt, khi ăn sẽ không bị ngứa.
- Sấu tươi: cạo vỏ, ngâm nước lạnh rồi vớt ra để ráo. Khứa vài đường trên thịt quả để khi nấu, thịt sấu sẽ được tận dụng tối đa.
- Rau gia vị: ngổ và mùi Tàu nhặt sạch, rửa rồi thái nhỏ.
- Rau ăn kèm: rau muống và rau rút cũng nhặt rồi rửa sạch. Có thể tách riêng phần lá và phần cọng của rau muống rồi chẻ ra ngâm nước, như vậy sẽ giòn hơn.
- Ớt tươi: bỏ hạt, cắt lát.
Bước 2: Ướp thịt vịt
Đầu tiên, bạn cho thịt vịt đã chặt vào một chiếc bát tô, nêm các gia vị gồm: ½ thìa muồi, ½ thìa hạt tiêu, 1 thìa mắm, sả băm – gừng băm – tỏi băm mỗi loại 1 thìa. Lưu ý là lượng gia vị có thể gia giảm tùy theo khẩu vị. Trộn thịt vịt với các gia vị cho ngấm đều rồi ướp trong vòng 20 – 30 phút.
Bước 3: Rán sơ cho vịt bớt mỡ
Nếu con vịt bạn mua có nhiều mỡ, bạn nên đem rán sơ để vịt róc mỡ thừa, như thế món ăn không bị ngấy mỡ, làm ảnh hưởng tới chất lượng của nước dùng ăn lẩu. Cách làm rất đơn giản: bắc 1 chiếc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào tới khi sôi thì cho thịt vịt vào đảo sơ để thịt vịt ra bớt mỡ, sau đó vớt ra cho ráo dầu.
Bước 4: Nấu lẩu vịt
- Bắc nồi lên bếp cùng một chút dầu ăn, khi dầu sôi thì trút hết phần hành – tỏi – sả – gừng băm vào phi thơm.
- Cho toàn bộ thịt vịt vào xào đến khi thịt săn lại. Lưu ý, khi thịt bắt đầu chín tái thì nên đảo thật nhanh tay và luôn để lửa to để thịt không bị dai. Tiếp theo, bạn lấy phần khoai sọ đã sơ chế và sấu tươi vào xào chung. Lúc này hãy để lửa nhỏ liu riu và đảo nhẹ cho đến khi thịt vịt thật ngấm gia vị, khoai sọ và sấu đã mềm.
- Đổ phần nước ninh xương đã chuẩn bị từ trước vào nồi thịt vịt sao cho nước xâm xấp mặt thịt rồi nấu với lửa vừa. Khi nước sôi, vớt sấu ra ngoài dằm nhuyễn rồi lại đổ vào nồi. Tùy theo khẩu vị mà bạn có thể dằm ít hay nhiều sấu. Sau đó nêm nếm lại nước dùng cho vừa khẩu vị rồi hạ nhỏ lửa, om tiếp trong 20 phút.
- Tắt bếp, rắc rau gia vị đã thái nhỏ vào nồi. Thêm ít ớt tươi cắt khoanh cho kích thích hương vị và để nồi lẩu thêm đẹp mắt.
Bước 5: Trình bày và thưởng thức
Chuyển toàn bộ phần thịt vịt om sấu và nước dùng vào nồi lẩu. Sắp xếp bún tươi, rau ăn kèm vào các đĩa và nhập tiệc. Khi ăn, bật bếp nấu cho nồi lẩu sôi lần nữa, nhúng rau và các đồ ăn kèm khác vào (nếu có) rồi thưởng thức.
Thành phẩm lẩu vịt om sấu đạt yêu cầu
- Nước dùng lẩu vịt om sấu đậm đà, chua chua, béo ngậy hòa quyện với hương thơm lừng từ gừng, tỏi, sả. Nước trong, không bị đọng nhiều váng mỡ.
- Thịt vịt có độ ngọt tự nhiên, bên ngoài dai dai, bên trong chín mềm. Khi ăn không có mùi hôi của vịt.
- Khoai sọ bùi bùi dẻo quánh nhưng không bị nát mà vẫn giữ nguyên miếng.
Cách làm lâu vịt om sấu Miền Bắc không khó. Tuy nhiên, nếu muốn món lẩu vịt với sấu miền Bắc đạt tới độ thơm ngon hoàn hảo nhất, bạn nên chọn mua vịt tươi sống ngoài chợ rồi tự sơ chế, không nên mua vịt đã làm sẵn hoặc vịt đông lạnh vì hương vị món ăn sẽ bị giảm đáng kể. Đối với các nhà hàng đang kinh doanh món lẩu vịt nấu sấu, để công đoạn sơ chế vịt thật nhanh chóng, không tốn nhiều thời gian và công sức, các bạn hãy đầu tư ngay một chiếc máy vặt lông gà vịt siêu chất lượng của Nguyên Khôi nhé!